Cách ly Khủng_hoảng_tên_lửa_Cuba

Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy đọc diễn văn trước quốc dân ngày 22 tháng 10 năm 1962 về sự tăng cường hoạt động quân sự tại Cuba

Trục trặc khi nghe tập tin âm thanh này? Xem hướng dẫn.
Một phi cơ P-2H Neptune thuộc Phi đoàn Tuần phòng số 18 đang bay phía trên tàu chở hàng Kasimov của Liên Xô. Trên sàn tàu có các kiện hàng chứa các oanh tạc cơ Il-28.

Tổng thống Kennedy họp với các thành viên trong Ủy ban Hành pháp Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và các cố vấn cao cấp khác suốt ngày chủ nhật 21 tháng 10 để xem xét hai giải pháp được chọn lựa còn lại: một là không kích thẳng vào các căn cứ tên lửa tại Cuba hay phong tỏa bằng hải quân chống Cuba.[28] Một cuộc xâm chiếm toàn diện không phải là giải pháp lựa chọn đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng phải làm một cái gì đó. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara ủng hộ cuộc phong tỏa bằng hải quân như là một hành động quân sự có giới hạn và mạnh mẽ chứng tỏ rằng Hoa Kỳ đang nắm quyền kiểm soát. Theo luật quốc tế, một cuộc phong tỏa là một hành động chiến tranh nhưng chính phủ Kennedy không nghĩ rằng Liên Xô sẽ bị khiêu khích để tấn công chỉ vì một cuộc phong tỏa.

Đô đốc George Whelan Anderson, Jr., Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ viết một bài lý luận giúp Tổng thống Kennedy phân biệt giữa một cuộc cách ly vũ khí tấn công và một cuộc phong tỏa tất cả mọi thứ hàng hóa. Đô đốc cho biết rằng một cuộc phong tỏa cổ điển không phải là chủ ý ban đầu. Vì nó xảy ra trong vùng biển quốc tế nên Tổng thống Kennedy xin sự chấp thuận của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ cho hành động quân sự theo các điều khoản phòng vệ bán cầu của Hiệp ước Rio.

Sự tham gia của các quốc gia châu Mỹ Latin trong cuộc cách ly hiện nay gồm có hai khu trục hạm của Argentine, báo cáo trực tiếp với Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Nam Đại Tây Dương (gọi tắt là COMSOLANT) đóng tại Trinidad ngày 9 tháng 11. Một tàu ngầm của Argentine và một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến sẵn sàng được vận chuyển đến nơi tác chiến khi cần thiết. Ngoài ra, hai khu trục hạm của Venezuela và một tàu ngầm đã báo cáo với Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Nam Đại Tây Dương, sẵn sàng tiến ra biển vào ngày 2 tháng 11. Chính phủ Trinidad và Tobago cho phép các tàu chiến của các quốc gia thuộc Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ sử dụng Căn cứ hải quân Chaguaramas trong suốt thời gian có cuộc cách ly. Cộng hòa Dominican chuẩn bị sẵn một tàu hộ tống. Colombia theo tin báo cáo đã sẵn sàng cung cấp các đơn vị và đã gởi các sĩ quan quân sự đến Hoa Kỳ để thảo luận việc giúp đỡ. Không quân Argentine không chính thức hứa cung cấp ba phi cơ SA-16 ngoài những lực lượng đã được đưa đến hoạt động trong vùng cách ly.[31]
Ban đầu hành động này gồm có một cuộc phong tỏa bằng hải quân chống các loại vũ khí tấn công theo các điều khoản khung của Tổ chức các Quốc gia châu MỹHiệp ước Rio. Một cuộc phong tỏa như thế có thể được mở rộng bao gồm tất cả các loại hàng hóa và cả hàng không. Hành động mở rộng này sẽ được tính đến bằng việc theo dõi tình hình ở Cuba. Kịch bản của Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ được theo dõi sát để tiến hành các bước sau đó của cuộc cách ly.

Ngày 19 tháng 10, Ủy ban Hành pháp Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ thành lập các nhóm hành động riêng biệt để xem xét các chọn lựa phong tỏa và không kích, và đến chiều hôm đó đa số ủng hộ Ủy ban Hành chính Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ chuyển sang lựa chọn phong tỏa.

Tổng thống Kennedy ký bản "tuyên bố cấm đưa vũ khí tấn công đến Cuba" tại Phòng Bầu dục ngày 31 tháng 10 năm 1962.

Lúc 3:00 p.m. (giờ miền Đông Hoa Kỳ) trưa thứ hai ngày 22 tháng 10, Tổng thống Kennedy chính thức thành lập Ủy ban Hành chính (EXCOMM) bằng Bản ghi nhớ Hành động An ninh Quốc gia số 196. Lúc 5:00 p.m., tổng thống họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ luôn lên tiếng chống đối một cuộc phong tỏa và đòi hỏi một biện pháp phản ứng mạnh mẽ hơn. Tại Moscow, Đại xứ Mỹ Kohler thông báo ngắn ngủi với Chủ tịch Liên Xô Khrushchev về vụ phong tỏa đang chờ lệnh và bài diễn văn của Tổng thống Kennedy gởi đến quốc dân Hoa Kỳ. Các đại xứ khắp thế giới chuyển thông báo đến các lãnh đạo ngoài Khối phía Đông. Trước khi đọc diễn văn, các phái đoàn của Mỹ họp với Thủ tướng Canada John Diefenbaker, Thủ tướng Anh Harold MacMillan, Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer, và Tổng thống Pháp Charles de Gaulle để giải trình ngắn gũi với họ các tin tình báo của Hoa Kỳ và phản ứng đã được đề nghị. Tất cả đều ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ.[32]

Chiều tối thứ hai ngày 22 tháng 10 lúc 7:00 p.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Kennedy đọc diễn văn trên truyền hình được trình chiếu trên toàn quốc để thông báo việc khám phá ra các tên lửa tại Cuba.

Đây là chính sách của quốc gia này xem bất cứ tên lửa hạt nhân nào phóng đi từ Cuba để chống bất cứ quốc gia nào trong Tây Bán cầu đều là một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ và vì thế phải bị phản ứng trả đũa toàn diện nhắm vào Liên Xô.[33]

Tổng thống Kennedy diễn tả kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ như sau:

Để chấm dứt sự tăng cường sức mạnh tấn công này, một cuộc cách ly có giới hạn nhằm vào các trang bị quân sự tấn công đang được đưa đến Cuba hiện đang được khởi sự. Tất cả tàu bè các loại đi đến Cuba từ bất cứ quốc gia nào hải cảng nào, nếu bị tìm thấy có chứa vũ khí tấn công, sẽ bị bắt buộc quay đầu trở lại. Việc cách ly này sẽ được mở rộng nếu cần đối với các loại hàng hóa và tàu bè vận chuyển khác. Tuy nhiên hiện nay chúng ta không phải ngăn cản những hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống như người Liên Xô đã tìm cách làm vậy trong cuộc phong tỏa Berlin năm 1948.[33]

Trong khi bài diễn văn được đọc thì một sắc lệnh được đưa đến các lực lượng Mỹ khắp thế giới, đặt họ dưới tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu cấp 3 trên biểu đồ báo động có mức độ tối đa là 5.

Khủng hoảng sâu

Thư của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev gởi Tổng thống Kennedy nói rằng cuộc cách ly khủng hoảng tên lửa Cuba "đang tạo ra một hành động gây hấn"

Ngày thứ ba 23 tháng 10 lúc 11:24 a.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ, một bức điện tín được George Ball thảo, được gởi đến Đại sứ Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO thông báo với họ rằng chính phủ đang xem xét một lời đề nghị tháo bỏ cái mà Hoa Kỳ biết rõ là những tên lửa gần như phế thải khỏi ÝThổ Nhĩ Kỳ để đổi lại việc Liên Xô rút khỏi Cuba. Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đáp rằng họ sẽ "bực bội sâu sắc" về bất cứ sự trao đổi nào đối với các tên lửa của Hoa Kỳ hiện diện trên lãnh thổ của họ.[34] Hai ngày sau, vào buổi sáng thứ năm ngày 25 tháng 10, nhà báo Walter Lippman đề nghị tương tự trên trang xã luận của mình. Castro tái xác nhận quyền tự vệ của Cuba và nói rằng tất cả các vũ khí này là vũ khí tự vệ và sẽ không cho phép bất cứ một cuộc thanh tra nào.[8]

Phản ứng của quốc tế

Bài diễn văn của Tổng thống Kennedy không mấy được người ta ưa thích tại Vương quốc Anh. Ngày hôm sau, báo chí Anh nhắc lại những hành động sai trái của CIA trước đây và ngờ vực rằng có sự hiện hữu các căn cứ của Liên Xô tại Cuba. Họ cho rằng hành động của Tổng thống Kennedy có thể là liên quan đến việc tái tranh cử của ông.[35]

Hai ngày sau khi Kennedy đọc bài diễn văn, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc thông báo rằng "650.000.000 người Trung Hoa, nam và nữ sát cánh cùng nhân dân Cuba".[36]

Tại Tây Đức, báo chí ủng hộ phản ứng của Hoa Kỳ. Đây là phản ứng trái ngược của báo chí Tây Đức đối với những hành động quỳ gối yếu đuối của Mỹ trong vùng suốt những tháng trước đó. Họ cũng tỏ rõ một nỗi lo sợ rằng Liên Xô có thể sẽ trả đũa tại Berlin.[35] Tại Pháp vào ngày 23 tháng 10, cuộc khủng hoảng đã chiếm trọn trang đầu của tất cả các nhật báo. Ngày hôm sau, một bài xã luật đăng trên tờ Le Monde tỏ vẻ nghi ngờ về sự xác thực của những bằng chứng ảnh của CIA. Hai ngày sau đó, sau một chuyến viếng thăm của một viên chức cao cấp của CIA, họ mới chấp nhận tính xác thực của những tấm hình. Cũng tại Pháp, số báo ra ngày 29 tháng 10 của tờ Le Figaro, Raymond Aron viết bài ủng hộ phản ứng của Hoa Kỳ.[35]

Truyền thông Xô Viết

Vào lúc cuộc khủng hoảng tiếp diễn không ngừng, vào đêm thứ tư ngày 24 tháng 10, thông tấn xã Liên Xô (TASS) phát đi bức điện tín của nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev gởi Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy, trong đó ông Khrushchev cảnh báo rằng "hành động ăn cướp" của Hoa Kỳ sẽ dẫn đến chiến tranh. Tuy nhiên vào lúc 9:24 p.m., theo sau bức điện tín vừa kể là một bức điện tín khác cũng từ ông Khrushchev gởi đến ông Kennedy mà được nhận vào lúc 10:52 p.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ trong đó Khrushchev nói rằng "Nếu ông bình tĩnh định lượng tình hình đang tiến triển và không phó thác cho cảm xúc thì ông sẽ hiểu rằng Liên Xô sẽ không thể không bác bỏ những yêu sách độc đoán của Hoa Kỳ." và rằng Liên Xô xem cuộc phong tỏa như là một hành động gây hấn và tàu thuyền sẽ được chỉ thị làm ngơ cuộc phong tỏa này.

Hoa Kỳ nâng mức báo động

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Adlai Stevenson trình bày các không ảnh chụp các tên lửa ở Cuba cho Liên Hiệp Quốc xem vào tháng 11 năm 1962.

Liên Hiệp Quốc kêu cầu một cuộc họp khẩn cấp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ năm 25 tháng 10. Bằng giọng nói lớn tiếng đòi hỏi, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Adlai Stevenson, chất vấn Đại sứ Liên Xô Valerian Zorin trong cuộc họp khẩn và yêu cầu ông thừa nhận về sự tồn tại của những tên lửa tại Cuba. Đại xứ Liên Xô Zorin từ chối trả lời. Ngày hôm sau lúc 10:00 p.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ, Hoa Kỳ nâng mức báo động sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng thuộc Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược Hoa Kỳ lên cấp 2 trên 5. Đây là lần duy nhất được xác nhận trong Lịch sử Hoa Kỳ, các oanh tạc cơ B-52 được phân tán đến nhiều vị trí khác nhau và sẵn sàng cất cánh với đầy đủ trang bị trong vòng 15 phút khi được lệnh.[37] Một phần tám trong số 1.436 oanh tạc cơ của Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược Hoa Kỳ được cảnh báo trên không trung. Khoảng 145 tên lửa đạn đạo liên lục địa được cảnh báo sẵn sàng trong khi đó Bộ tư lệnh Phòng không Hoa Kỳ (ADC) tái triển khai 161 phi cơ đánh chặn mang vũ khí hạt nhân đến 16 phi trường khắp nơi trong vòng 9 giờ. Một phần ba trong số phi cơ đánh chặn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong vòng 15 phút.[30]

"Đến ngày 22 tháng 10, Bộ tư lệnh Không quân Chiến thuật (TAC) có 511 khu trục cơ cộng các phi cơ tiếp liệu và phi cơ thám thính hỗ trợ được khai triển để đối phó với Cuba, được đặt trong tình trạng báo động trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, Bộ tư lệnh Không quân Chiến thuật và Cục Vận tải Không quân Hoa Kỳ gặp nhiều vấn đề. Việc tập trung các phi cơ quân sự tại Florida đã làm căng giản các đơn vị hỗ trợ và bộ tư lệnh; chúng ta đối mặt với sự thiếu nhân sự về thông tin liên lạc, trang bị vũ khí và an ninh; sự thiếu ủy quyền ban đầu cho phép tích trữ đạn dược thông thường dành cho chiến tranh đã buộc Bộ tư lệnh Không quân Chiến thuật phải cầu khẩn van xin; và việc thiếu các phương tiện không vận để hỗ trợ một cuộc thả trang bị lớn từ trên không xuống mà rất cần thiết để tổng động viên 24 phi đoàn trừ bị." [30]

Sáng thứ năm ngày 25 tháng 10 lúc 1:45 a.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Kennedy trả lời điện tín của nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev rằng Hoa Kỳ buộc phải hành động sau khi nhận liên tiếp những lời bảo đảm rằng không có tên lửa tấn công đang được khai triển tại Cuba, và rằng khi những lời bảo đảm này được chứng minh là sai sự thật thì việc khai triển "cần phải có những sự đáp trả mà tôi đã thông báo trước đây... Tôi hy vọng chính phủ của ông sẽ có hành động cần thiết để làm cho tình hình trở về trạng thái ban đầu."

Một bản đồ vừa mới được công khai, được Hạm đội Đại Tây Dương của Hải quân Hoa Kỳ dùng trước đây, cho thấy vị trí của các tàu Liên Xô và Mỹ hoạt động vào lúc cuộc khủng hoảng lên đến cao độ.

Cách ly bị thách thức

Sáng thứ năm lúc 7:15 a.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ, hàng không mẫu hạm chống tàu ngầm USS Essexkhu trục hạm USS Gearing tìm cách đón đầu chiếc Bucharest nhưng thất bại. Đơn giản là vì chiếc tàu không có chứa bất cứ vật liệu quân sự nào nên nó được cho qua khu vực bị phong tỏa. Chiều hôm đó lúc 5:43 p.m., tư lệnh đặc trách nỗ lực phong tỏa ra lệnh cho khu trục hạm USS Kennedy đón chặn và đưa người lên tàu hàng Marucla của Li Băng. Sự việc xảy ra vào ngày hôm sau, và chiếc Marucla được cho phép đi qua khu vực phong tỏa sau khi hàng hóa được kiểm tra.[38]

Lúc 5:00 p.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ tối thứ năm, William Clements thông báo rằng các tên lửa tại Cuba vẫn còn đang được tiến hành triển khai. Báo cáo này sau đó được CIA kiểm chứng cho thấy không có dấu hiệu chậm tiến độ khai triển nào cả. Để đáp lại, Tổng thống Kennedy ra Bản ghi nhớ Hành động An ninh số 199, cho phép gắn các vũ khí hạt nhân vào các phi cơ theo sự chỉ đạo của SACEUR (đây là bộ phận có nhiệm vụ tiến hành các cuộc không kích trước tiên vào Liên Xô). Suốt ngày hôm đó, Liên Xô đáp ứng lại việc phong tỏa bằng cách ra lệnh quay đầu 14 tàu của họ được tin là có chở các vũ khí tấn công.[37]

Khủng hoảng rơi vào bế tắc

Sáng thứ sáu hôm sau ngày 26 tháng 10, Tổng thống Kennedy thông báo với Ủy ban Hành pháp Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ rằng ông tin rằng chỉ có một cuộc xâm chiếm mới có thể tháo bỏ các tên lửa khỏi Cuba. Tuy nhiên, ông được thuyết phục chờ đợi thêm thời gian và tiếp tục bằng cả áp lực ngoại giao và quân sự. Ông đồng ý và ra lệnh thực hiện các chuyến bay ở độ thấp trên Cuba tăng từ 2 chuyến mỗi ngày lên đến một chuyến trong mỗi hai tiếng đồng hồ. Ông cũng ra lệnh một chương trình khởi sự để xây dựng một chính phủ dân sự mới tại Cuba nếu như một cuộc xâm chiếm được xúc tiến.

Vào thời điểm này, bề ngoài có vẻ cuộc khủng hoảng đang bị bế tắc. Liên Xô không có dấu hiệu gì cho thấy rằng họ sẽ lùi bước mà còn phát biểu nhiều lần theo hướng đối ngược. Hoa Kỳ không có lý do gì tin tưởng có sự nhường bước của Liên Xô và chuẩn bị trong giai đoạn đầu cho một cuộc xâm chiếm song song với một cuộc tấn công bằng hạt nhân vào Liên Xô trong trường hợp Liên Xô phản ứng bằng quân sự mà được tin là sẽ xảy ra.[39]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khủng_hoảng_tên_lửa_Cuba http://cryptome.quintessenz.at/mirror/jcs-corrupt.... http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.alternatehistory.com/discussion/showthr... http://www.flickr.com/photos/martintrolle/sets/721... http://www.foreignpolicy.com/articles/2012/10/08/t... http://journal.frontierindia.com/index.php?option=... http://books.google.com/?id=0xqrU5lnD7AC&pg=PA528&... http://books.google.com/?id=ZnYHG1eK-2AC http://books.google.com/?id=xtqFJVhmuowC http://www.historyplace.com/speeches/jfk-cuban.htm